Đây là thông tin Cơ quan Thống kê Phần Lan đưa ra hôm 1/2.
Mức tăng cao nhất được ghi nhận vào quý II/2022, khi trữ lượng than tăng 23% so với năm 2021, lên 1,49 triệu tấn và lượng tiêu thụ tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước đó.
Cơ quan Thống kê Phần Lan cho biết: “Việc tiêu thụ than cứng làm nhiên liệu trong sản xuất điện, nhiệt và trong sản xuất lên tới 2.015 nghìn tấn”.
Điều này hoàn toàn trái ngược với các kế hoạch chuyển đổi sang năng lượng xanh của Phần Lan. Năm 2018, Chính phủ nước này tuyên bố sẽ cấm sử dụng than đá trong lĩnh vực năng lượng từ năm 2029. Tuy nhiên, vào năm 2022, Helsinki đã phải hồi sinh một số nhà máy nhiệt điện than đã ngừng hoạt động trước đó, sau khi sản lượng nhập khẩu từ Nga sụt giảm.
Moscow đã ngừng cung cấp điện cho Phần Lan vào tháng 5/2022, sau khi Công ty điện lực Inter RAO của Nga không nhận được khoản thanh toán tiền điện bán qua sàn giao dịch liên châu Âu Nord Pool.
EU đang tìm kiếm các giải pháp thay thế dầu mỏ và khí đốt của Nga khi họ cam kết chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng từ quốc gia bị trừng phạt. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu do giá khí đốt tự nhiên tăng cao đã đẩy việc sử dụng than lên mức cao nhất trong 10 năm qua vào năm 2022.
Đặc biệt, nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch tăng đáng kể ở EU và dự kiến sẽ duy trì ở mức cao trong những năm tới do nhiều quốc gia đã mở lại các nhà máy nhiệt điện than bất chấp chương trình nghị sự xanh trước đó lo ngại thiếu hụt khí đốt. IEA thông tin, các quốc gia thành viên EU dự kiến sẽ tăng sản lượng than đá lên 2,7 triệu tấn vào năm 2023.