“Sự trỗi dậy” của than đá

Báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố mức tiêu thụ than đá toàn cầu ước tính tăng 1,2% trong năm 2022 và sẽ lần đầu tiên vượt quá 8 tỷ tấn trong một năm, đánh bại kỷ lục trước đó được thiết lập vào năm 2013. Trong đó, than đá được sử dụng trong sản xuất điện, lĩnh vực tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch này nhiều nhất, ước tính tăng 2% trong năm ngoái.

Đặc biệt, báo cáo cũng cho thấy sự cạnh tranh toàn cầu về than đá – hiện cũng thiếu hụt sau nhiều năm sụt giảm đầu tư vào các mỏ mới-đã đẩy giá than đá tăng lên mức cao chưa từng thấy. Đơn cử, theo Bloomberg, giá than đá tại cảng Newcastle của Australia, thường được sử dụng làm giá tham khảo chuẩn cho các giao dịch than đá tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, có thời điểm vào cuối tháng 5-2022 lần đầu tiên chạm mức cao kỷ lục 430USD/tấn.

Chỉ riêng ở châu Âu, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng năng lượng hơn các khu vực khác, mức tiêu thụ than đá tăng 9%, lên 377 triệu tấn, mặc dù loại nhiên liệu này đã bị gạt khỏi chính sách năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) nhằm tìm cách cắt giảm lượng khí thải.

Con số đó có thể tăng cao hơn trong ngắn hạn do giá khí đốt cao chót vót sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Nhiều chính phủ lên kế hoạch khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than, đẩy mạnh sản xuất hoặc duy trì hoạt động lâu hơn kế hoạch. Đức, quốc gia đã cam kết từ bỏ than đá trong cơ cấu nguồn điện vào năm 2030, là một trong những nước tăng nhập khẩu mặt hàng này. 

“Việc gia tăng sự phụ thuộc vào than đá là khó khăn nhưng cần thiết”, The Wall Street Journal dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Liên bang Đức Robert Habeck thừa nhận.

Thực tế, với nhiều quốc gia trên thế giới, than đá được coi là “xương sống” của nền kinh tế, là thành phần quan trọng của nhiều quy trình công nghiệp với việc cung cấp năng lượng và góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng trong xã hội hiện đại. Trong các nguồn năng lượng hóa thạch, than đá có nhiều ưu điểm như dễ khai thác, chế biến, mua bán, vận chuyển hơn so với dầu mỏ và khí đốt. Hơn nữa, công nghệ đốt than tương đối đơn giản, có thể phát triển ở quy mô công nghiệp lớn.

Dẫu vậy, than đá lại là năng lượng gây ô nhiễm nhất và là nguồn phát thải khí nhà kính hàng đầu. Theo đánh giá của Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH của Liên hợp quốc (IPCC), than đá thải ra lượng CO2 gấp đôi so với khí đốt và nhiều hơn 30% so với xăng.

Có thể thấy, chưa bao giờ nhân loại sử dụng nhiều than đá như vậy trong một năm và theo IEA, thực trạng này sẽ còn kéo dài một vài năm nữa. Điều đó có nghĩa là than đá sẽ tiếp tục trở thành nguồn phát thải CO2 lớn nhất trong hệ thống năng lượng toàn cầu nếu không có những nỗ lực mạnh mẽ hơn để chuyển sang những kế hoạch chuyển đổi xanh.

Sự trở lại của than đá được cho là đang đe dọa các nỗ lực nhằm kiểm soát mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp-mục tiêu mà hơn 190 quốc gia đã nhất trí theo Hiệp định Paris về BĐKH năm 2015. Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP26), 47 nước đã ủng hộ một tuyên bố toàn cầu về chuyển dịch từ than đá sang năng lượng sạch. Các quốc gia cam kết mới trong việc loại bỏ than đá cũng đã gia nhập Liên minh coi than đá là quá khứ (PPCA).

Tuy nhiên, kỳ vọng lại không thể vượt qua thực tại rằng thế giới chưa thể “cai nghiện” được than đá trong cơn khát năng lượng. “Thế giới đang tiến gần đến đỉnh điểm về tiêu thụ năng lượng hóa thạch. Đáng lẽ than đá phải là thứ giảm đầu tiên, nhưng chúng ta chưa làm được điều đó”, CNN dẫn lời Giám đốc phụ trách thị trường năng lượng và an ninh tại IEA Keisuke Sadamori nhận định.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo