Theo đài RT (Nga), các mỏ nhiên liệu hóa thạch trên sẽ kéo dài thời hạn đạt mức phát thải carbon cao nhất của Trung Quốc trước năm 2030. Đồng thời, trữ lượng than này cũng đủ để đưa Trung Quốc vượt quá mục tiêu trung hoà carbon trước năm 2060.
Trong khi sản lượng than của Trung Quốc chủ yếu đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, lên tới 4 tỷ tấn/năm, nhu cầu dầu thô của nước này vượt sản lượng trong nước. Trên thực tế, Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Theo Bộ Tài nguyên Trung Quốc, trữ lượng than của quốc gia này ở mức khoảng 208 tỷ tấn vào năm 2021, tăng 28% so với năm trước đó. Chi phí thăm dò khoáng sản tăng 10% lên 184 triệu USD. Cùng với đó, trữ lượng dầu tăng 2,8% lên 3,7 tỷ tấn, dự kiến đủ để cung cấp cho các nhà máy Trung Quốc trong gần 2 thập kỷ tới, nếu sản lượng ổn định khoảng 200 triệu tấn/năm. Trữ lượng khí đốt tự nhiên cao hơn một chút, ở mức 6,339 tỷ m3, đủ cho 3 thập kỷ tới.
Dẫu vậy, quốc gia “khát” năng lượng Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt. Theo Bộ Tài nguyên, các khoản đầu tư cho thăm dò khoáng sản trong năm qua đã tăng 13% lên 11,3 tỷ USD. Nước này cũng đã đạt nhiều đột phá khi phát hiện ra các mỏ mới ở Tứ Xuyên, Tân Cương, Nội Mông và Vịnh Bột Hải.