Nhu cầu than của Mỹ đang hồi sinh mạnh nhất trong một thập niên qua, trong khi đó, Trung Quốc quyết định mở lại các mỏ than đã đóng cửa và lên kế hoạch khai thác những mỏ mới.
Chiến sự ở Ukraine đốt nóng các thị trường than
Nhu cầu than trên toàn cầu tăng lên kể từ năm ngoái trong bối cảnh thiếu khí đốt tự nhiên và nhu cầu tiêu thụ điện tăng mạnh sau khi các biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 được dỡ bỏ. Nhưng chiến sự tại Ukraine mới là chất xúc tác đốt nóng thị trường than, kích hoạt hiệu ứng domino, khiến các nhà sản xuất điện chạy đua tìm nguồn cung than và đẩy giá bán lên các mức cao kỷ lục.
Chỉ số giá than nhiệt lượng cao tương lai của Úc, mức chuẩn cho than chất lượng cao ở khu vực châu Á, hiếm khi vượt mốc 100 đô la/tấn nhưng đã tăng vọt lên mức 280 đô la/tấn vào tháng 10 năm ngoái khi các nhà sản xuất điện lùng mua than trên khắp thế giới. Sau đó, giá than giảm nhẹ nhờ nhu cầu điện dịu lại khi nhiệt độ trong mùa đông ở bắc bán cầu tương đối ấm áp so với bình thường. Nhưng khi Nga mở cuộc tấn công quân sự ở Ukraine, các lo ngại về nguồn cung đã đẩy giá than nhiệt lượng cao ở Úc tăng lên mức kỷ lục 440 đô la/tấn.
Diễn biến trên thị trường than ở châu Âu cũng đi theo mẫu hình tương tự và ngay cả ở Mỹ, trong tháng này, giá than đã tăng lên mức cao nhất trong 13 năm qua do nhu cầu tiêu thụ nội địa tăng mạnh.
“Chuỗi cung ứng than đã không sẵn sàng cho cú sốc như vậy”, Xizhou Zhou, giám đốc bộ phận phân tích thông tin năng lượng tái tạo và điện toàn cầu ở S&P Global, nói khi ám chỉ đến tác động của chiến sự ở Ukraine đối với thị trường năng lượng.
Để gia tăng các đòn trừng phạt nhằm vào Nga, Liên minh châu Âu (EU) quyết định cấm nhập khẩu than từ nước này kể từ giữa tháng 8 tới. Nhưng điều này cũng có nghĩa là châu Âu chấp nhận chi trả nhiều hơn so với các khách hàng khác để cạnh tranh mua than từ các nguồn cung ngoài Nga. Sự nhập cuộc của các khách hàng châu Âu khiến các thị trường than trên toàn cầu càng nóng hơn và một số nước đang phát triển có thể đối mặt với tình trạng thiếu than do không đủ khả năng tài chính để nhập khẩu than.
Để bảo đảm nguồn cung năng lượng cho mùa đông sắp tới, chính phủ Đức đang làm việc với các công ty điện lực như RWE để tái khởi động một số nhà máy nhiệt điện than đã ngừng hoạt động cũng như trì hoãn kế hoạch cho “về hưu” đối với một số nhà máy nhiệt điện than khác. Ngay cả trước khi châu Âu nhất trí cấm vận than của Nga, nguồn cung than ở khu vực này đã căng thẳng. Năm ngoái, một nhà máy điện ở Đức dừng hoạt động vì hết than. Tình trạng thiếu than cũng dẫn đến các vụ mất điện ở Ấn Độ và Trung Quốc, chiếm tổng cộng 2/3 tổng tiêu thụ than toàn cầu.
Thị trường than càng hỗn loạn hơn với việc các nhà hoạch định sách và các công ty ở Nhật Bản và Hàn Quốc cũng quyết định hạn chế nhập khẩu than của Nga. Các động thái này khiến thế giới càng phải tìm thêm nhiều nguồn cung hơn để thay thế cho 187 triệu tấn than mà Nga bán cho các nhà máy nhiệt điện nước ngoài vào năm ngoái. Con số này tương đương 18% lượng than nhiệt lượng cao trên toàn cầu.
Không dễ tìm nguồn cung thay thế cho than của Nga
Hoạt động khai thác than trên toàn cầu vẫn chưa phục hồi về các mức trước đại dịch. Các công ty khai thác gặp nhiều khó khăn bao gồm các vấn đề thời tiết, tình trạng thiếu lao động, ách tắc trong vận chuyển cũng như thiếu đầu tư cho công suất mới.
Indonesia, nước cung cấp than nhiệt lượng cao hàng đầu cho các nhà máy nhiệt điện trên thế giới, đã dừng xuất khẩu than vào đầu năm nay để bảo đảm nguồn cung trong nước. Các nhà sản xuất than ở Úc cảnh báo khả năng tăng thêm công suất là rất hạn chế. Công ty khai thác than nhà nước Coal India (Ấn Độ), nhà sản xuất than lớn nhất thế giới, đang hạn chế giao hàng cho các khách hành trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp để ưu tiên nguồn cung cho các nhà máy nhiệt điện.
Trong năm 2021, xuất khẩu than từ kho cảng than ở cảng Richards Bay của Nam Phi giảm xuống mức 58,7 triệu tấn, thấp nhất trong 25 năm. Bên cạnh đó, các công ty khai thác than không dám mạo hiểm đầu tư lớn để mở rộng công suất vì lo ngại về nhu cầu trong dài hạn, đặc biệt là trong bối cảnh Liên hợp quốc thúc đẩy các kế hoạch loại bỏ sử dụng than để chống biến đổi khí hậu.
Shirley Zhang, nhà phân tích của hãng tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, cho biết: “Thị trường than vận chuyển bằng đường biển trên toàn cầu vẫn rất căng thẳng trong năm nay, vì vậy, việc tìm kiếm nguồn cung thay thế cho than của Nga sẽ vô cùng khó khăn dù khách sẵn sàng mua với giá cao”.
Khi nguồn cung than toàn cầu thắt chặt và giá tăng, các nước thuộc thị trường mới nổi có thể không còn đủ khả năng mua nhiên liệu này để duy trì các hoạt động của nền kinh tế. Những nước đang cạn kiệt ngoại tệ ở Nam Á như Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh đặc biệt dễ bị tổn thương trước các cú sốc giá than.
Tuy nhiên, nếu giá than tiếp tục tăng, điều này có thể khuyến khích các nước quyết tâm từ bỏ loại nhiên liệu hóa thạch “bẩn” nhất này trong dài hạn và thay thế nó bằng các nguồn năng lượng tái tạo. Và các căng thẳng địa chính trị lớn hơn từ cuộc xung đột Nga-Ukraine đang củng cố lập luận cho rằng việc phổ cập xe điện trên các con đường và lắp đặt thêm các tua-bin gió và tấm pin năng lượng mặt trời có thể giúp các nước củng cố sự độc lập về năng lượng.
Theo Bloomberg