Trong khi giá năng lượng tại Châu Âu đã giảm nhẹ trong những tháng gần đây, căng thẳng vẫn tiếp tục gia tăng trên khắp lục địa vốn lâu nay phụ thuộc vào nguồn năng lượng giá rẻ của Nga.
Các cuộc biểu tình liên quan đến chi phí năng lượng cao đã diễn ra từ Bỉ đến Czech. Tình trạng thiếu nhiên liệu đã dẫn đến việc người dân phải xếp hàng dài để mua xăng tại các trạm nhiên liệu ở Pháp.
Phong trào Don’t Pay ở Anh kêu gọi công dân tham gia cuộc “đình công hóa đơn” bằng cách từ chối thanh toán hóa đơn năng lượng cho đến khi giá khí đốt và điện được giảm xuống mức “phải chăng”.
Giá năng lượng cao cũng đã thúc đẩy các cuộc tuần hành chống biến đổi khí hậu trên khắp lục địa.
Quay cuồng đối phó
Trong bối cảnh đó, các chính phủ Châu Âu đã sử dụng đa dạng các biện pháp nhằm quản lý cuộc khủng hoảng. Sau khi Liên minh Châu Âu (EU) cấm nhập khẩu than của Nga, các quy định về than đã được cắt giảm ở Ba Lan, dẫn đến việc các mỏ than bất hợp pháp được khai thác ở nước này.
Áo đưa ra gói viện trợ 1,3 tỷ Euro nhằm giúp các công ty đang gặp khó khăn bởi chi phí năng lượng ngày càng tăng.
Vương quốc Anh đã “giới hạn giá hóa đơn năng lượng trung bình cho hộ gia đình ở mức 2.500 Bảng (2.770 USD) một năm trong hai năm kể từ tháng 10”, đồng thời công bố mức giới hạn năng lượng cho các doanh nghiệp, tổ chức từ thiện và tổ chức phi chính phủ vào tháng Chín.
Khác với các nước khác, Italy đã cho thấy khả năng đáng kể trong việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng kể từ đầu năm để giảm sự phụ thuộc vào Điện Kremlin.
Dưới thời cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi (nhiệm kỳ 2008-2011), Rome bắt đầu tăng cường phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Quá trình này tiếp tục ngay cả sau khi ông thất bại trong cuộc bầu cử năm 2011 và việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Tuy nhiên, sự phụ thuộc này đột ngột chấm dứt sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine tháng 02/2022.
Nhằm thoát năng lượng Nga, Rome đã ký các thỏa thuận khí đốt tự nhiên với Ai Cập và Algeria vào tháng Tư, đồng thời tổ chức các cuộc đàm phán bổ sung với CH Congo và Angola về nguồn cung cấp năng lượng.
Vào tháng Sáu, Italy cũng đã mua thêm hai tàu LNG (khí đốt tự nhiên hóa lỏng), bổ sung vào ba nhà ga LNG mà nước này đã vận hành, nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt.
Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia đều đạt được thành công như đất nước hình chiếc ủng trong việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng.
Pháp tuyên bố sẽ giới hạn mức tăng giá điện và khí đốt cho các hộ gia đình ở mức 15% vào năm 2023. Nhưng vì hơn một nửa trong số 56 lò phản ứng hạt nhân của nước này đã ngừng hoạt động để bảo trì, Paris sẽ phải vật lộn với việc tăng chi phí năng lượng, cũng như duy trì vai trò là nhà xuất khẩu điện sang các nước Châu Âu khác.
Trong khi đó, Đức chọn quốc hữu hóa một số công ty năng lượng lớn, chẳng hạn như Uniper vào tháng Chín. Tháng 10 này, Berlin đã đề xuất một sáng kiến trợ cấp năng lượng trị giá 200 tỷ Euro.
Với kho dự trữ khí đốt dự kiến đạt 95% công suất vào tháng 11, Đức có thể tự cung cấp nhu cầu nội địa trong mùa Đông này.
Nhưng nền kinh tế đầu tàu EU thiếu cơ sở hạ tầng LNG và vẫn dễ bị tổn thương nếu Nga cắt hoàn toàn khí đốt qua đường ống. Hiện tại, Đức đang ở cấp độ 2 trong kế hoạch khí đốt khẩn cấp 3 cấp của đất nước, với giai đoạn cuối cùng là sự can thiệp trực tiếp của chính phủ vào việc phân phối khí đốt.
Do Berlin đóng góp lớn nhất vào quỹ của EU, nên tính dễ bị tổn thương về kinh tế của nước này đặt ra những tác động đáng lo ngại đối với phần còn lại của khối.
Và ngoài việc thiếu hụt khí đốt, các nước Trung Âu sẽ “chịu ảnh hưởng của việc phân bổ khí đốt trong lĩnh vực công nghiệp của Đức, do sự hội nhập của họ vào chuỗi cung ứng của Berlin”.
Sự không chắc chắn như vậy đã làm giảm đầu tư trong khu vực, làm gia tăng các vấn đề kinh tế của châu lục.
Những vấn đề này nhấn mạnh nhận thức rằng, trong khi than đá của Nga tương đối dễ bị cấm ở Châu Âu và dầu của Nga đang dần bị loại bỏ, khí đốt tự nhiên của Moscow vẫn quá quan trọng đối với lục địa này.
Hàng chục tàu chở LNG đã bị mắc kẹt ngoài khơi Châu Âu, khi các nhà máy “chuyển hóa nhiên liệu trên biển trở lại thành khí đốt đang hoạt động ở mức tối đa”.
Trong khi đó, giá khí đốt cao đã khiến các ngành công nghiệp chủ chốt trên khắp Châu Âu phụ thuộc vào nguồn năng lượng phải đóng cửa, làm dấy lên lo ngại về “phi công nghiệp hóa không kiểm soát”.
Tìm kiếm hợp tác
Ngoài các chiến lược quốc gia, các nước Châu Âu đã theo đuổi các sáng kiến tập thể để đối đầu với cuộc khủng hoảng năng lượng.
Ngày 27/09, Na Uy, Đan Mạch và Ba Lan chính thức khai trương Đường ống Baltic để cung cấp khí đốt tự nhiên cho Ba Lan.
Ngày 01/10, Hy Lạp và Bulgaria bắt đầu vận hành thương mại đường ống Hy Lạp-Bulgaria (IGB), đóng vai trò là một liên doanh khác trong dự án Hành lang khí đốt phía Nam do phương Tây hậu thuẫn để đưa khí đốt tự nhiên từ Azerbaijan đến Châu Âu.
Ngày 13/10, Pháp bơm khí đốt tự nhiên cho Đức lần đầu tiên, dựa trên một thỏa thuận rằng: “Berlin sẽ sản xuất nhiều điện hơn để cung cấp cho Paris trong thời gian tiêu thụ cao điểm”.
Hội đồng Châu Âu tuyên bố vào ngày 30/09 rằng, các quốc gia EU sẽ thực hiện “mục tiêu tự nguyện cắt giảm 10% tổng tiêu thụ điện và giảm bắt buộc 5% lượng điện tiêu thụ trong giờ cao điểm”.
Ngoài ra, EU tiếp tục tranh luận về việc áp đặt giới hạn giá khí đốt của Nga. Ngày 02/09, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí thực hiện giới hạn giá đối với dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga từ tháng 12/2022 đến tháng 02/2023.
Tuy nhiên, Đức đã chỉ trích về “đề xuất giới hạn giá đối với tất cả khí đốt nhập khẩu vào EU”, nói rằng EU thiếu thẩm quyền để làm như vậy, đồng thời bày tỏ lo ngại các nhà cung cấp sẽ bán khí đốt cho nước khác.
Na Uy, vốn là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai của Châu Âu sau Nga, cho biết sẽ không chấp nhận giới hạn khí đốt. Tất nhiên, Moscow cũng khẳng định sẽ không bán dầu hoặc khí đốt cho các quốc gia áp đặt giá trần. Như vậy, những trừng phạt liên quan tới năng lượng Nga có thể sẽ làm tăng giá mặt hàng này hơn nữa.
Các nước Châu Âu cũng bị ràng buộc bởi lợi ích riêng của họ, chính điều này làm suy yếu sự hợp tác đa phương.
Ví dụ, vào tháng Chín, Croatia tuyên bố cấm xuất khẩu khí đốt tự nhiên. Trong khi đó, nhiều quốc gia Châu Âu đã chỉ trích kế hoạch trợ cấp 200 tỷ Euro của Đức vì lo ngại nó “có thể gây ra sự mất cân bằng kinh tế trong khối”.
Cũng trong tháng Chín, Anh cáo buộc EU đẩy giá năng lượng của nước này lên cao hơn bằng cách cắt đứt hợp tác năng lượng sau Brexit. Mỹ và Na Uy cũng bị các thành viên EU “điểm danh” vì đã thu lợi từ cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.
Mức độ dễ bị tổn thương đã dẫn đến việc một số quốc gia Châu Âu phá vỡ các quy định châu lục và đàm phán với Nga.
Serbia, không thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay EU, đã ký thỏa thuận khí đốt tự nhiên của riêng mình với Moscow vào tháng Năm. Trong khi đó, Hungary khiến các đồng minh phương Tây nổi giận bằng cách ký thỏa thuận khí đốt với Nga vào tháng Tám.
Hungary là một trong những quốc gia Châu Âu đầu tiên đồng ý mua khí đốt tự nhiên của Nga bằng đồng Ruble khi các lệnh trừng phạt được áp đặt đối với Moscow. Nếu cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn, các quốc gia khác có thể theo chân Budapest.
Hệ lụy tới các nước nghèo hơn
Khi cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu tiếp tục diễn ra, nhiều quốc gia trên thế giới ngày càng trở nên cảnh giác.
Mặc dù các khách hàng giàu có như Hàn Quốc và Nhật Bản có thể cạnh tranh mua LNG với Châu Âu, nhưng điều đó đã gây ra tình trạng thiếu hụt ở những nơi khác. Ví dụ, Bangladesh và Pakistan đã phải vật lộn để đảm bảo nhập khẩu LNG kể từ khi bắt đầu xung đột Nga-Ukraine.
Tình trạng mất điện ở các quốc gia này ngày càng gia tăng, khiến chính phủ phải dùng đến các giải pháp thay thế, sử dụng năng lượng nhiều carbon hơn và thúc đẩy các cuộc đàm phán mới với Nga về nhập khẩu LNG cũng như phát triển mạng lưới đường ống cung cấp khí đốt tự nhiên cho Châu Á.
Việc Châu Âu tiếp xúc với năng lượng của Nga trong nhiều thập niên có nghĩa là cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại của họ sẽ còn kéo dài trong nhiều năm. Ngay cả với những dự đoán về một mùa Đông sắp tới tương đối nhẹ nhàng, việc vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng này sẽ đòi hỏi sự hợp tác và hy sinh giữa các quốc gia trong khối, đặc biệt nếu chiến dịch quân sự ở Ukraine leo thang hơn nữa.
Trong khi sự đoàn kết của phương Tây sẽ được thử thách, các quốc gia nghèo hơn, dễ bị tổn thương về năng lượng sẽ tiếp tục trở thành nạn nhân của xung đột.
Theo Báo Quốc Tế