Mức giá than đá tham chiếu tháng 4/2022 của Indonesia cao hơn tới 41% so với mức 203,69 USD/tấn được áp dụng với các lô hàng giao trong tháng 3 vừa qua. Giới quan sát lo ngại việc Indonesia – quốc gia xuất khẩu than đá lớn nhất thế giới nâng mạnh giá bán than có thể gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các quốc gia vốn phụ thuộc lớn vào nguồn cung than đá từ Indonesia để phát điện như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.
Giá các mặt hàng năng lượng trên toàn cầu đã liên tục tăng mạnh, neo ở mức cao kỷ lục trong thời gian gần đây dưới tác động của căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào nền kinh tế Nga đã khiến nguồn cung năng lượng từ Nga sang các nước châu Âu cũng như thị trường thế giới bị suy giảm.
Hãng tư vấn năng lượng hàng đầu thế giới Rystad Energy (Na Uy) cảnh báo giá than đá trên thế giới có thể vượt ngưỡng 500 USD/tấn trong năm 2022 trong bối cảnh giá khí đốt tăng mạnh khi nhiều nước châu Âu chuyển sang sử dụng than đá để phát điện do thiếu hụt nguồn cung khí đốt từ Nga.
Nếu dự báo của Rystad Energy thành hiện thực thì đây sẽ là mức giá than đá cao nhất trong vòng 200 năm trở lại đây. Hiện giá than đá của Australia cho các đơn hàng giao tháng 3/2022 đã chạm mức cao kỷ lục 330 USD/tấn. Thậm chí, có một số lô hàng than nhiệt lượng cao (6.000 kcal) được chuyển đi từ cảng Newcastle, cảng xuất than lớn nhất Australia, đã đạt mức giá 400 USD/tấn (giá FOB) hồi giữa tháng 3. Australia hiện là quốc gia xuất khẩu than lớn thứ hai thế giới.
Trên thị trường kỳ hạn, đã có lúc giá than đá của Australia cung cấp cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương tăng vọt 42% tương ứng 150 USD chỉ trong 1 phiên giao dịch, lên mức 435 USD/tấn. Đây là mức giá cao gấp 3 lần so với hồi đầu năm nay.
Tổng cục trưởng Dầu khí thuộc Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia ông Tutuka Ariadji cho biết giá các loại năng lượng, bao gồm cả than đá của Indonesia sẽ phụ thuộc vào diễn biến căng thẳng Nga – Ukraine. Ông Tutuka Ariadji cho rằng giá dầu thô thế giới vẫn chưa đạt đỉnh và sẽ chạm mức cao kỷ lục trong tháng 4 tới đây khi ảnh hưởng từ sự đứt gãy nguồn cung của Nga được phản ánh rõ lên thị trường, giá dầu thô Brent có thể chạm mức 130 USD/thùng.