Công nghiệp khai thác than trên thế giới

Trữ lượng than trên toàn thế giới cao hơn gấp nhiều lần trữ lượng dầu mỏ và khí đốt. Người ta ước tính có trên 10 nghìn tỷ tấn, trong đó trữ lượng có thể khai thác là 3.000 tỷ tấn mà 3/4 là than đá. Than tập trung chủ yếu ở Bắc bán cầu, trong đó đến 4/5 thuộc về Trung Quốc (tập trung ở phía Bắc và Đông Bắc), Hoa Kỳ (chủ yếu ở các bang miền Tây), LB Nga (vùng Ekibát và Xibêri), Ucraina (vùng Đônbat), CHLB Đức, Ấn Độ, Ôxtrâylia (ở hai bang Quinslan và Niu Xaoên), Ba Lan…

Phụ thuộc vào khả năng sinh nhiệt, hàm lượng cácbon và độ tro, người ta phân thành nhiều loại than. Mỗi loại than có những ưu, nhược điểm riêng và nhìn chung, không thể thay thế cho nhau được.

Than nâu là một khối đặc hay xốp, màu nâu, hiếm có màu đen hoàn toàn, thường không có ánh. Than nâu có độ cứng kém, khả năng sinh nhiệt tương đối ít, chứa nhiều tro (đôi khi đến 40%), độ ẩm cao (35%) và có lưu huỳnh (1- 2%), mức độ biến chất thấp. Khi để lâu ngày thành đống, than bị ôxi hoá, vụn ra thành bột, sinh nhiệt làm cho than tự bốc cháy. Tính chất này gây khó khăn nhiều cho việc bảo quản. Do khả năng sinh nhiệt thấp nên than nâu ít khi được vận chuyển xa, thường sử dụng trong nhiệt điện, cho sinh hoạt, hoặc biến than thành nhiên liệu dạng khí.

Than đá thường có màu đen, hiếm hơn là màu đen hơi nâu, có ánh mờ. Than đá rất giòn. Có nhiều loại than đá khác nhau tuỳ thuộc vào các thuộc tính của chúng. Khi đem nung không đưa không khí vào (đến 900- 1100°C), than sẽ bị thiêu kết thành một loại cốc rắn chắc và xốp.

Than gầy (hay nửa antraxit) hoàn toàn không bị thiêu kết, không thành cốc, mà có dạng bột, mức độ biến chất cao nhất cùng với antraxit. Than gầy được dùng chủ yếu làm nhiên liệu nồi hơi và cho các nhà máy nhiệt điện.

Than khí là loại than có khả năng sản ra một lượng khí thắp lớn. Sử dụng giống như than gầy.

Than antraxit có màu đen, ánh kim, đôi khi có ánh ngũ sắc. Đây là loại than không có ngọn lửa, cháy khó và cần thông gió mạnh mới cháy được. Nó có khả năng sinh nhiệt lớn hơn mọi loại than khác nên được dùng chủ yếu làm nhiên liệu nhiệt lượng cao. Than không tự bốc cháy nên có thể để chất đống lâu ngày, có độ bền cơ học cao, không bị vỡ vụn trong khi chuyên chở.
Ngoài ra còn có một số loại than khác (như than bùn…), song giá trị kinh tế thấp.

Tình hình khai thác và tiêu thụ than:

Công nghiệp khai thác than xuất hiện tương đối sớm và được phát triển từ nửa sau thế kỉ XIX. Sản lượng than khai thác được rất khác nhau giữa các thời kì, giữa các khu vực và các quốc gia, song nhìn chung, có xu hướng tăng lên về số lượng tuyệt đối. Trong vòng 50 năm qua, tốc độ tăng trung bình là 5,4%/năm, còn cao nhất vào thời kì 1950 – 1980 đạt 7%/năm. Từ đầu thập kỉ 90 đến nay, mức tăng giảm xuống chỉ còn 1,5%/năm. Mặc dù việc khai thác và sử dụng than có thể gây hậu quả xấu đến môi trường (đất, nước, không khí…), song nhu cầu than không vì thế mà giảm đi.

Các khu vực và quốc gia khai thác nhiều than đều thuộc về các khu vực và quốc gia có trữ lượng than lớn trên thế giới. Sản lượng than tập trung chủ yếu ở khu vực châu á- Thái Bình Dương, Bắc Mỹ, Nga và một số nước Đông Âu.

Các nước sản xuất than hàng đầu là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Ôxtrâylia, Nga, chiếm tới 2/3 sản lượng than của thế giới. Nếu tính cả một số nước như Nam Phi, CHLB Đức, Ba Lan, CHDCND Triều Tiên… thì con số này lên đến 80% sản lượng than toàn cầu.

Công nghiệp khai thác than ra đời trước tiên ở Anh vào đầu thế kỉ XIX. Sau đó, người ta tìm thấy nhiều than ở Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canađa. Vì thế các quốc gia này lần lượt dẫn đầu về sản lượng than khai thác được của thế giới. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, hàng loạt bể than khổng lồ đã được phát hiện ở Êkibát, Nam Yacút, Đônbát (Liên Xô cũ), ở Ba Lan, Đông Đức. Trong nhiều năm, Liên Xô dẫn đầu về sản lượng than. Từ sau năm 1990 do những biến động về chính trị và kinh tế nên sản lượng than ở Đông Âu và Liên Xô cũ bị giảm sút.

Từ thập niên 90 của thế kỷ XX, việc tìm ra những mỏ than lớn ở Trung Quốc đã giúp nước này đứng đầu thế giới về khai thác than, vượt trên cả Hoa Kỳ.

Thị trường than quốc tế mới chỉ chiếm trên 10% sản lượng than khai thác. Việc buôn bán than gần đây phát triển nhờ thuận lợi về giao thông đường biển, song sản lượng than xuất khẩu không tăng nhanh, chỉ dao động ở mức 550 đến 600 triệu tấn/năm. Từ nhiều năm nay, Ôxtrâylia luôn là nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới, chiếm trên 35% (210 triệu tấn năm 2001) lượng than xuất khẩu. Tiếp sau là các nước Trung Quốc, Nam Phi, Hoa Kỳ, Inđônêxia, Côlômbia, Canađa, Nga, Ba Lan… Các nước công nghiệp phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Pháp, Italia, Anh… có nhu cầu rất lớn về than và cũng là các nước nhập khẩu than chủ yếu.

Ở Việt Nam, than có nhiều loại, trữ lượng lớn, tập trung chủ yếu ở Quảng Ninh (90% trữ lượng than cả nước). Trữ lượng than của nước ta ước chừng hơn 6,6 tỷ tấn, trong đó trữ lượng có khả năng khai thác là 3,6 tỷ tấn (đứng đầu ở Đông Nam As). Sản lượng và xuất khẩu than tăng nhanh trong những năm gần đây.

Contact Me on Zalo