Tác động của lệnh cấm xuất khẩu than Indonesia đối với Trung Quốc

Than cục tại Trung Quốc

Tối 10/1, Chính phủ Indonesia thông báo sẽ bắt đầu nới lỏng các hạn chế đối với xuất khẩu than đá mặc dù chỉ mới được ban hành hôm 1/1 và được lên kế hoạch kéo dài một tháng. Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan cho biết một số tàu chở than xuất khẩu sẽ được xuất cảng sớm nhất là vào ngày 11/1.

Theo bài viết đăng trên Đa chiều, Indonesia là nguồn nhập khẩu than lớn nhất của Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng, kể cả Indonesia không nới lỏng hạn chế sớm và vẫn ngừng xuất khẩu than trong 1 tháng theo như kế hoạch ban đầu thì ảnh hưởng đối với Trung Quốc sẽ không quá lớn.
Nhìn từ góc độ quốc tế, giá than toàn cầu đã tăng vọt kể từ năm 2021. Một mặt, sự sụt giá tương đối của đồng USD do phát hành quá mức đã khiến giá hàng hóa toàn cầu tăng và giá than đá cũng tăng theo. Mặt khác, kể từ năm 2021, nền kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi sau dịch bệnh, tác động phục hồi, nhu cầu năng lượng gia tăng, trong đó có than đá.

Lấy Mỹ làm ví dụ, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này năm 2021 dự kiến là 5,2-5,8%; đây là lần đầu tiên kể từ năm 1984, tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ vượt 5%, còn từ năm 2001 trở lại đây, tăng trưởng GDP của Mỹ đều chưa vượt quá 4%. Tác động bởi sự phục hồi kinh tế toàn cầu, nhu cầu than toàn cầu sẽ gia tăng hơn nữa vào năm 2022, báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) thậm chí còn dự đoán rằng “cơn bùng nổ than” năm 2021 sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2024.

Đồng thời, giá điện tăng chóng mặt do giá khí tự nhiên tăng vọt đã khiến các nước trên thế giới chuyển hướng quan tâm sang điện than. Điều này càng thúc đẩy nhu cầu sử dụng than toàn cầu gia tăng. Theo báo chí Pháp, Bộ Môi trường Pháp ngày 5/1 cho biết, do nguồn cung điện cấp bách hơn vào mùa Đông, Chính phủ nước này đang xem xét nới lỏng hạn chế đối với các nhà máy nhiệt điện than trong tháng 1-2/2022, cho phép sử dụng nhiều than hơn để phát điện.

“Báo cáo về than đá năm 2021” của IEA dự báo điện than toàn cầu sẽ tăng trưởng vào năm 2021 sau hai năm suy giảm liên tiếp, Mỹ và các nước đồng minh châu Âu sẽ tăng tới 21%, còn Ấn Độ cũng sẽ tăng 12%, từ đó sẽ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng nhu cầu than trên toàn cầu lên mức 6%. Năm 2022, nhu cầu than toàn cầu dự kiến đạt 8,025 tỷ tấn, vượt qua mức kỷ lục năm 2013 và đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Đồng thời, số liệu cũng cho thấy lượng than dự trữ của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu những năm 1970 đến nay.

Nguyên nhân khiến Indonesia cấm xuất khẩu than là bởi giá tăng đột biến do nhu cầu than toàn cầu tăng đã khiến các nhà kinh doanh than Indonesia xuất khẩu than thu về lợi nhuận khổng lồ và khiến chính phủ nước này buộc phải bù 25% giá bán cho các nhà máy điện trong nước để bình ổn giá, ”nếu không cấm xuất khẩu than, các nhà máy điện than với công suất lên đến 10.850 triệu KW sẽ rơi vào khủng hoảng, gây bất ổn về kinh tế đất nước”.

Lệnh cấm xuất khẩu than của Indonesia và lệnh cấm xuất khẩu urê trước đây của Trung Quốc là cùng một logic, nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định trên thị trường nội địa, nhưng cũng làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân bằng cung cầu trên thị trường toàn cầu.

Khi nhu cầu than toàn cầu tăng lên, Trung Quốc, với tư cách là nhà sản xuất và tiêu thụ than lớn nhất thế giới, sẽ khó có thể không bị ảnh hưởng, trong khi mức độ ảnh hưởng thế nào thì còn phụ thuộc vào thị trường than nội địa của Trung Quốc.

Từ góc độ thị trường than trong nước của Trung Quốc, do tình trạng mất điện quy mô lớn ở nhiều nơi bởi không đủ lượng than dự trữ tại các nhà máy nhiệt điện vào nửa cuối năm 2021, Chính phủ Trung Quốc đã nhanh chóng hành động để “đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá”, yêu cầu các công ty than phải tăng cường sản lượng. Đặc biệt, trước khi mùa Đông đến, nhà máy nhiệt điện cần có đủ lượng than dự trữ để đảm bảo nhu cầu sưởi ấm của người dân.

Dưới sự vận động của Chính phủ Trung Quốc, ngành than do các doanh nghiệp nhà nước chi phối đã bắt đầu tăng sản lượng, hệ thống đường sắt cũng nâng cao năng lực vận chuyển than.

Lấy tỉnh Sơn Tây – địa phương sản xuất than lớn nhất Trung Quốc – làm ví dụ, kể từ tháng 10/2021 trở lại đây, sản lượng than bình quân hàng ngày của Sơn Tây duy trì trên 3,3 triệu tấn, sản lượng than nguyên liệu từ tháng 1-11/2021 đạt 1,097 tỷ tấn, tăng 120 triệu tấn, tương đương 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu từ Cục Năng lượng tỉnh Sơn Tây, tính đến ngày 28/12/2021, Sơn Tây đã hoàn thành việc nâng cấp sản lượng của 49 mỏ than, với mức tăng ròng là 56,8 triệu tấn mỗi năm.
Đồng thời, các doanh nghiệp than nhà nước đi đầu thực hiện cam kết bình ổn giá, tích cực giảm giá giao ngay, chỉ trong tháng 10/2021, hai doanh nghiệp quốc doanh là Tập đoàn Năng lượng Quốc gia Trung Quốc và Tập đoàn Than Trung Quốc sẽ phân phối lợi nhuận hơn 50 tỷ nhân dân tệ (NDT), 7,8 tỷ USD, cho các xí nghiệp gia công.

Đến ngày 10/11/2021, sản lượng than hàng ngày của Trung Quốc đạt 12,05 triệu tấn, là mức cao kỷ lục. Trong tháng 12/2021, sản lượng than bình quân ngày tăng 2 triệu tấn so với tháng Chín, lượng than dự trữ của các nhà máy điện trên toàn quốc tăng 90 triệu tấn so với cuối tháng Chín. Tính đến ngày 23/12/2021, lượng than dự trữ của các doanh nghiệp phát điện đưa vào thống kê là 109,49 triệu tấn, số ngày dự trữ của các nhà máy điện là hơn 20 ngày.

Có thể nói, với những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc, cuộc khủng hoảng dự trữ than tại các nhà máy nhiệt điện của Trung Quốc và vấn đề cung cấp năng lượng cho mùa Đông đã được giải quyết, giá than trên thị trường Trung Quốc đã giảm.

Theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, giá than nhiệt và than antraxit ở Trung Quốc tiếp tục giảm vào cuối tháng 12/2021. Giá than hỗn hợp thông thường có mức độ nhiệt đạt 4.500 kcal là 617,5 NDT/tấn, giảm 184,2 NDT/tấn, tương đương 23% so với trước đó.

Trong bối cảnh nhu cầu than toàn cầu tăng mạnh trong vài năm tới, vấn đề đảm bảo nguồn cung than của Trung Quốc cơ bản sẽ phụ thuộc việc tăng sản lượng nội địa của nước này.

Chỉ tính riêng từ tháng 10/2021, sản lượng các dự án mỏ than đã được Bộ bảo vệ môi trường sinh thái Trung Quốc phê duyệt hoặc đang xem xét đã tăng lên hơn 127 triệu tấn mỗi năm. Dựa trên con số 300 triệu tấn than nhập khẩu của Trung Quốc vào năm 2020, thì 127 triệu tấn đã vượt 40% tổng lượng nhập khẩu. 
Trên thực tế, kể từ khi sản lượng than của Trung Quốc chạm đáy ở mức 3,41 tỷ tấn vào năm 2016, sản lượng than hàng năm của Trung Quốc đã tăng hơn 100 triệu tấn trong các năm 2017, 2018 và 2019, và đạt 3,9 tỷ tấn vào năm 2020, gần chạm mức cao kỷ lục 3,974 tỷ tấn của năm 2013. Ngành công nghiệp than của Trung Quốc có tiềm năng lớn để tăng sản lượng, nếu không xét đến yếu tố bảo vệ môi trường xanh, thì việc đáp ứng nhu cầu nội địa của Trung Quốc hoàn toàn không thành vấn đề.

Ngoài ra, để đảm bảo nguồn cung ổn định, giảm bớt yếu tố bất ổn, Trung Quốc đã nỗ lực thúc đẩy các hợp đồng cung cấp dài hạn giữa các công ty than và nhà máy điện. Theo thông tin từ giao dịch than Trung Quốc năm 2022, việc ký kết hợp đồng than trung và dài hạn đã lần đầu tiên đạt được toàn bộ lượng than cho sản xuất điện và sưởi ấm.

Hợp đồng nêu rõ các doanh nghiệp sản xuất than có công xuất được phê duyệt từ 300.000 tấn/năm trở lên về nguyên tắc được đưa vào phạm vi ký kết, các doanh nghiệp phát điện và sưởi ấm phía cầu cần ký hợp đồng trung và dài hạn cho 100% lượng than tiêu thụ trừ than nhập khẩu, số lượng lần đầu theo hợp đồng vượt trên 260 triệu tấn.

Nhìn chung, lệnh cấm xuất khẩu than của Indonesia thực sự đã ảnh hưởng đến Trung Quốc, nhưng vẫn nằm trong phạm vi có thể kiểm soát được và nhu cầu dự kiến tăng trong tương lai sẽ đủ để đối phó với việc tăng sản lượng./.

Contact Me on Zalo